Con người, Văn hoá, Ngôn ngữ: Tách rời, Đan xen, Hoà quyện
Ngôn ngữ là cầu nối giúp tiếp cận tới văn hoá và lịch sử của loài người
Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao tiếng kêu của chim sẻ vào mỗi buổi sáng, tiếng sủa của con chó nhà hàng xóm mỗi khi bạn lên giường đi ngủ, hay tiếng kêu đòi ăn lần thứ sáu trong ngày của bé mèo nhà bạn lại không được coi là một "ngôn ngữ" chưa?
Mặc dù động vật có thể dùng tiếng kêu của mình để biểu thị ý nghĩa khác nhau, cũng như để giao tiếp với bầy đàn và con người, nhưng "ngôn ngữ" là một khái niệm vượt xa hơn như vậy. Bên cạnh việc có một hệ thống ngữ pháp và từ vựng, yếu tố quan trọng nhất của một ngôn ngữ là cho phép miêu tả các khái niệm mới thông qua việc tạo ra và sắp xếp từ ngữ. Và đó cũng là cách mà ngôn ngữ phát triển qua hàng trăm nền văn minh, hàng ngàn thế hệ nhân loại.
Nhưng trước tiên, hãy quay ngược thời gian để trở lại điểm khởi đầu.
Cội nguồn của Ngôn ngữ
Để khám phá nguồn gốc của ngôn ngữ, các nhà ngôn ngữ học đã xây dựng các ngôn ngữ nguyên thuỷ, hay "ngôn ngữ mẹ", thông qua việc suy luận và so sánh các ngôn ngữ có liên quan.
Ví dụ, bằng cách so sánh từ tiếng Anh "tooth" và từ tiếng Đức "Zahn", các nhà ngôn ngữ học có thể suy ra cách gọi tên cái răng trong ngôn ngữ mẹ của tiếng Anh và tiếng Đức.
Các ngôn ngữ nguyên thuỷ mang tính lý thuyết là nhiều, vì chúng ta chưa tìm thấy bất kỳ bằng chứng trực tiếp nào, chẳng hạn như chữ viết, để chứng minh sự tồn tại của chúng trong lịch sử.
Đa phần các ngôn ngữ trên thế giới đều có mối quan hệ họ hàng hang hốc với nhau. Phần đông các ngôn ngữ thuộc 142 các hệ ngôn ngữ khác nhau nằm rải rác trên thế giới. Cũng có khả năng rằng tất cả các ngôn ngữ con người cùng chung một “mẹ”, nhưng điều này vẫn chưa được kiểm chứng.
Trong số 7168 ngôn ngữ còn tồn tại ngày nay, chỉ có 129 ngôn ngữ (tức 1%) chưa tìm thấy mối quan hệ với các ngôn ngữ khác.1 Những ngôn ngữ này được gọi là ngôn ngữ biệt lập. Những ngôn ngữ biệt lập thường là ngôn ngữ của các nhóm dân tộc thiểu số sống trong các bộ tộc hoặc trên các hòn đảo xa xôi. Ví dụ, Ainu là một ngôn ngữ biệt lập được nói bởi một nhóm dân tộc thiểu số trên đảo Hokkaido, Nhật Bản, và Tiwi là một ngôn ngữ biệt lập được nói bởi một nhóm thiểu số trên các đảo Tiwi ở miền bắc nước Úc.
Tất nhiên, luôn có một ngoại lệ - Tiếng Basque.
Khác với những ngôn ngữ biệt lập khác vốn thường xuất hiện tại những khu vực hẻo lánh và cách biệt với phần còn lại của thế giới, đây là ngôn ngữ bản địa của một vùng tự trị mang tên “Xứ Basque”, nằm trên lãnh thổ của Tây Ban Nha và Pháp. Tuy nằm tại nơi giao thoa của nhiều nền văn hoá, tiếng Basque không hề có quan hệ họ hàng nào với các ngôn ngữ khác trên thế giới. Basque là ngôn ngữ biệt lập có số lượng người nói lớn nhất, với khoảng 800.000 người.2
Vòng đời của Ngôn ngữ
Ngôn ngữ không độc lập. Chúng phát triển, tách rời, đan xen, hoà quyện. Vì vậy, đôi khi rất khó để phân định lúc nào một “tiếng” được coi là một ngôn ngữ hay chỉ là một phương ngữ.3
Chẳng hạn, có tới 30 “phiên bản” khác nhau của tiếng Ả Rập được sử dụng trên khắp thế giới.4 Trong số đó, nhiều “phiên bản” khác biệt tới mức người nói biến thể này không hiểu được người nói biến thể khác. Vậy những biến thể đó có nên được coi là một ngôn ngữ riêng không?
Nếu bạn du lịch tới Bắc Âu, không khó để bắt gặp cảnh 3 người nói 3 thứ tiếng khác nhau nhưng vẫn hiểu nhau nói gì. Bởi, tiếng Thụy Điển, tiếng Đan Mạch và tiếng Na Uy giống nhau tới mức, nếu một người đã biết một trong các ngôn ngữ đó, họ có thể đọc và hiểu các ngôn ngữ khác một cách dễ dàng.5
Một ngôn ngữ sẽ chết khi không còn người bản địa nào sử dụng nó nữa. Ảnh hưởng của chế độ thuộc địa, thực dân cũng như toàn cầu hoá đã đẩy nhanh sự tuyệt chủng của các ngôn ngữ. Trung bình cứ mỗi 40 ngày lại có một ngôn ngữ chết đi. Ước tính đến 2100, có thể có đến 95% ngôn ngữ trên thế giới hiện nay sẽ tuyệt chủng.6
Con người và văn hoá tác động lên ngôn ngữ. Ngôn ngữ tác động lên văn hoá và con người.
Trong tiếng Anh, có sự phân biệt giữa "blue", "teal", và "green," trong khi trong tiếng Việt, chúng đều được gọi là "xanh" (xanh lam, xanh ngọc và xanh lá). Người nói tiếng Việt thường coi những màu này như giống nhau, trong khi người bản ngữ tiếng Anh coi chúng là ba tông màu khác nhau. Điều này có thể được giải thích bởi môi trường tự nhiên tại hai vùng lãnh thổ có sự khác biệt, dẫn đến việc đặt tên cho các màu sắc cũng có khác biệt trong hai nền văn hóa.
Trong văn hóa phương Tây, có nhiều loại thực phẩm với các tên khác nhau như cake, pain au chocolat, croissant, cupcake, muffin, strudel, baguette, cookie, tiramisu, mousse, v.v.; và không có một từ duy nhất mà chỉ chung tất cả các loại thực phẩm này. Tuy nhiên, trong văn hóa Việt Nam, những món này thường được gọi chung là "bánh". Điều này có thể được lý giải do các truyền thống ẩm thực của hai văn hóa khác nhau. Người châu Âu với nền văn hóa-ẩm thực lúa mì coi chúng là các thực thể riêng biệt, trong khi người nói tiếng Việt thường coi chúng thuộc cùng một danh mục.
Trong tiếng Việt, có các từ khác nhau cho các loại mì như "phở," "miến," "mì," "bánh đa," trong khi trong tiếng Anh, chúng thường được gọi chung là "noodles". Tương tự, trong tiếng Việt, các loại gạo được đặt tên bằng các từ riêng biệt, như "gạo," "nếp," "cốm," "lúa," trong khi trong tiếng Anh, chúng thường được gọi chung là "rice". Cả hai điều này phản ánh nền văn hoá lúa nước của Việt Nam.
Và với đó, mình muốn kết thúc bài viết bằng một câu trích dẫn từ nhà ngôn ngữ học Noam Chomsky:
Một ngôn ngữ không chỉ đơn thuần là những từ ngữ. Đó là văn hóa, là truyền thống, là sự thống nhất của một cộng đồng, là một lịch sử hoàn chỉnh tạo nên bản chất của một cộng đồng. Tất cả được đại diện chỉ qua một ngôn ngữ.
Ngôn ngữ không chỉ là một công cụ để giao tiếp mà còn là một biểu hiện của văn hóa và lịch sử. Ngôn ngữ là một chiếc cầu nối, cho phép bất kỳ ai từ phía bên kia địa cầu tiếp cận tới văn hóa và lịch sử của một nền văn minh hoàn toàn xa lạ.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của chúng mình. Nếu bạn muốn đọc thêm những bài như thế này, hãy theo dõi chúng mình bằng nút bên dưới.
Chúng mình sẽ vô cùng biết ơn nếu bạn có thể chia sẻ bài đăng của chúng mình với bạn bè và những người xung quanh.
Các nhà ngôn ngữ học khác nhau sẽ có các cách, các quy chuẩn, các trường phái phân chia ngôn ngữ khác nhau. Một quy chuẩn phân định ngôn ngữ của Ethnologue và ISO: Hai biến thể được coi là của cùng một ngôn ngữ khi người nói tiếng này không cần phải học tiếng còn lại vẫn sử dụng được; khi giữa hai biến thể có cùng một nền văn học hoặc một bản sắc ngôn ngữ dân tộc chung. Hai biến thể được coi là hai ngôn ngữ khác nhau khi từ lâu chúng có các bản sắc khác biệt rõ ràng, cùng với các tiêu chuẩn và nền văn học khác biệt.